Diễn văn Chia tay của Tổng thống Obama

Bản dịch của Facebooker Anh Pham - Hien Nguyen

TỔNG THỐNG: Xin chào, Chicago! Thật vui được quay trở về nhà. Xin cảm ơn tất cả mọi người. Xin cảm ơn. Xin cảm ơn rất nhiều. Xin cảm ơn. Được rồi, mời mọi người ngồi ạ. Chúng ta đang được truyền hình trực tiếp. Tôi phải tiếp tục chương trình. Các vị có thể thấy ngay tôi đúng là một tổng thống “vịt què” vì không ai thèm nghe lời tôi nói cả. Mời mọi người cùng ngồi xuống.

Thưa các bạn công dân Mỹ, Michelle và tôi đã rất cảm động bởi tất cả những lời chúc lành mà chúng tôi đã nhận được trong những tuần vừa qua. Đêm nay đến lượt tôi được nói lời cảm ơn. Dù chúng ta đã có thể nhìn thẳng vào mắt nhau và đồng ý với nhau hay là ít khi nào đồng ý được với nhau thì những cuộc trò chuyện của tôi với các bạn, những người dân Mỹ, ở trong các phòng khách hay ở các trường học, tại các nông trại, trong các nhà xưởng, tại các tiệm ăn nhanh hay là ở những căn cứ quân sự nơi xa – những cuộc trò chuyện đó chính là điều đã giúp tôi trung thực, có được cảm hứng, và có sức để tiến lên. Hàng ngày tôi đã được học từ các bạn. Các bạn đã làm tôi trở thành một tổng thống tốt hơn, các bạn đã làm cho tôi trở thành một con người tốt hơn.

Tôi đến Chicago lần đầu thời tôi mới ngoài 20 tuổi. Tôi khi đó vẫn còn đang cố gắng xác định xem tôi là ai, vẫn còn đang tìm kiếm mục đích cuộc đời. Chính là tại những khu phố không xa đây tôi đã bắt đầu làm việc cùng các nhóm nhà thờ dưới bóng của những xưởng thép đã bị đóng cửa. Cũng đúng là ở những khu phố này nơi tôi đã chứng kiến sức mạnh của niềm tin, và nhân phẩm thầm lặng của những người dân lao động khi họ phải đối mặt với sự vật lộn và mất mát.

KHÁN GIẢ: Bốn năm nữa! Bốn năm nữa! Bốn năm nữa!

TỔNG THỐNG: Tôi không làm thế được.

KHÁN GIẢ: Bốn năm nữa! Bốn năm nữa! Bốn năm nữa!

TỔNG THỐNG: Đây chính là nơi mà tôi đã học được rằng sự thay đổi chỉ xảy ra khi những người bình thường cùng tham gia, cùng cam kết, khi họ liên kết lại với nhau để đòi hỏi có được sự thay đổi đó.

Sau tám năm trong vai trò Tổng thống của các bạn, tôi vẫn tin điều này. Đây không chỉ là niềm tin của tôi. Đây chính là trái tim đang đập của lý tưởng Mỹ của chúng ta – thử nghiệm dũng cảm của chúng ta về mô hình chính phủ tự trị. Đây chính là niềm tin rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra bình đẳng, được Tạo hóa trao cho những quyền không thể xâm phạm, trong số những quyền đó có quyền được sống, quyền được tự do, và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Cũng chính là nhờ có việc nhấn mạnh rằng những quyền này dù là quyền tự nhiên, nhưng chưa bao giờ là quyền tự hiện thực hóa; mà Chúng ta, những Người dân, thông qua công cụ là nền dân chủ của chúng ta, có thể tạo ra một liên bang hoàn hảo hơn.

Ý tưởng đó mới cấp tiến làm sao. Món quà tuyệt vời mà những vị Khai quốc đã trao cho chúng ta: quyền tự do theo đuổi những mơ ước cá nhân của chúng ta bằng mồ hôi, sức lao động, óc tưởng tượng của chúng ta, và sự xác quyết là cần phải cố gắng cùng nhau để đạt được lợi ích chung, lợi ích lớn hơn.

Trong 240 năm, lời kêu gọi của đất nước của chúng ta tới tinh thần công dân đã trao công việc và mục đích cho mỗi thế hệ mới. Lời hiệu triệu này chính là điều đã giúp những người ái quốc lựa chọn mô hình nhà nước cộng hòa thay vì một nhà nước được cai trị bởi một bạo chúa; đó là thứ thúc đẩy những người tiên phong mở đường đi sang phía tây, những người nô lệ chịu chấp nhận rủi ro để đi theo con đường tìm kiếm tự do. Đây chính là điểm lôi cuốn những người nhập cư và những người tị nạn vượt qua những đại dương và sông Rio Grande. Là lý do thúc đẩy những người phụ nữ đi đến hòm bỏ phiếu. Là thứ thúc giục những người công nhân tụ tập lại lập công đoàn. Đây chính là lý do những binh sĩ Hoa Kỳ đã hiến dâng mạng sống của họ tại Omaha Beach và tại Iwo Jima; tại Iraq và Afghanistan. Và đây cũng là lý do tại sao những người nam nữ từ Selma tới Stonewall cũng sẵn lòng để cống hiến sinh mạng của họ.

Và đây chính là điều chúng ta định nói khi chúng ta nói rằng nước Mỹ là ngoại lệ - không phải vì đất nước của chúng ta ngay từ lúc khởi đầu đã không hề có nhược điểm mà là vì chúng ta đã cho thấy rằng chúng ta có năng lực để thay đổi và làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn cho những người cùng đi. Vâng, đúng là tiến bộ của chúng ta không được đồng nhất. Công việc của một nền dân chủ luôn luôn là khó khăn, gây nhiều tranh cãi, và đôi khi còn gây đổ máu nữa. Cứ hai bước tiến lên thì có vẻ như chúng ta lại lùi lại một bước. Nhưng chiều dài lịch sử của Mỹ đã được định hình bởi một động lực tiến lên phía trước, một sự mở rộng liên tục lý tưởng lập quốc của chúng ta để nâng niu bao trọn tất cả mọi người chứ không phải chỉ một vài người.

Nếu như tám năm trước đây tôi đã nói với các bạn rằng nước Mỹ sẽ làm đảo ngược lại một kỳ đại đình trệ, sẽ tái khởi động nền công nghiệp ô tô của chúng ta, và mở ra một thời kỳ tạo công ăn việc làm mới dài nhất trong lịch sử của chúng ta. Nếu như tôi đã nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân Cu Ba, sẽ đóng cửa chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không cần phải tốn một viên đạn, và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ 9/11. Nếu như tôi đã nói với các bạn rằng chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc tranh đấu để có được sự bình đẳng hôn nhân và sẽ đảm bảo được quyền có bảo hiểm y tế cho hơn 20 triệu bạn công dân của chúng ta nữa. Nếu tôi đã nói vậy với các bạn thì có lẽ các bạn đã nói rằng chúng ta đã đặt mục tiêu hơi cao quá. Nhưng đó chính là những gì chúng ta đã làm được. Đó chính là những gì các bạn đã làm được.

Chính các bạn là sự thay đổi. Các bạn đã trả lời cho hy vọng của mọi người, và chính nhờ các bạn, dù ta đo bằng bất kỳ thước đo nào, hôm nay nước Mỹ là một nơi tốt hơn, mạnh hơn khi chúng ta khởi đầu ra.

Trong 10 ngày tới thế giới sẽ được chứng kiến một chỉ dấu của nền dân chủ của chúng ta.

KHÁN GIẢ: Khôôôôông!

TỔNG THỐNG: Không, không, không… đó chính là quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ một tổng thống được bầu cử tự do tới một tổng thống khác. Tôi cam kết với Tổng thống Được bầu Trump là chính quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, đúng y như cách Tổng thống Bush đã làm cho tôi. Lý do là bởi vì trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta để đảm bảo rằng chính phủ của chúng ta có thể giúp chúng ta vượt qua được những thách thức mà chúng ta vẫn phải đối mặt.

Chúng ta có những gì chúng ta cần để làm được điều đó. Chúng ta có tất cả những gì chúng ta cần để vượt qua những thách thức đó. Gì thì gì chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, mạnh mẽ nhất, và được tôn trọng nhất trên Trái đất. Sức trẻ, chí tiến thủ, sự đa dạng và cởi mở của chúng ta, năng lực bất tận của chúng ta chấp nhận rủi ro và tái tạo đồng nghĩa với việc tương lai thuộc về chúng ta. Nhưng tiềm năng này chỉ được hiện thực hóa nếu nền dân chủ của chúng ta vận hành. Chỉ khi mà nền chính trị của chúng ta phản ánh tốt hơn sự tử tế của con người của chúng ta. Chỉ khi mà tất cả chúng ta, dù theo đảng phái nào hoặc có lợi ích riêng rẽ là gì, cùng giúp khôi phục lại cảm quan về mục đích chung mà hiện nay chúng ta đang rất cần phải có lại.

Đây chính là điều mà đêm nay tôi muốn tập trung thảo luận, tức là hiện trạng của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta đều hiểu rằng dân chủ không đòi hỏi một sự đồng hóa. Các vị Khai quốc của chúng ta cũng cãi nhau. Cuối cùng rồi họ cũng thỏa hiệp. Họ kỳ vọng rằng chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết rằng một nền dân chủ đòi hỏi phải có được một cảm giác căn bản về tình đoàn kết - tức là ý tưởng rằng bất chấp những khác biệt ở bên ngoài thì chúng ta vẫn cùng tham gia vào sự nghiệp này với nhau; và rằng chúng ta cùng vươn lên hoặc ngã xuống như là một.

Trong suốt lịch sử của chúng ta đã từng có những khoảnh khắc đe dọa tình đoàn kết đó. Thời điểm khởi đầu thế kỷ này là một trong những thời điểm như vậy. Một thế giới đang thu nhỏ, sự bất bình đẳng gia tăng, sự thay đổi về dân số và bóng ma của chủ nghĩa khủng bố - tất cả những thế lực này không chỉ thách thức sự an ninh và thịnh vượng của chúng ta mà còn thử thách cả nền dân chủ của chúng ta. Cách chúng ta giải quyết những thách thức đối với nền dân chủ của chúng ta sẽ quyết định khả năng của chúng ta giáo dục con cái của chúng ta, tạo ra những công ăn việc làm tốt, và bảo vệ quê hương của chúng ta. Nói cách khác, việc đó sẽ quyết định tương lai của chúng ta.

Xin nói ngay là nền dân chủ của chúng ta sẽ không vận hành nếu thiếu một cảm giác rằng tất cả mọi người đều có cơ hội về kinh tế. Tin vui là ngày hôm nay nền kinh tế đã lại tăng trưởng trở lại. Lương, thu nhập, giá trị nhà, và các tài khoản hưu trí đều đang trên đà tăng. Sự nghèo thì đang đi xuống. Những người giàu đang trả phần thuế công bằng hơn ngay cả khi thị trường chứng khoán đang phá vỡ những kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức gần như thấp nhất trong vòng 10 năm. Tỷ lệ những người không có bảo hiểm sức khỏe chưa từng bao giờ thấp hơn bây giờ. Chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng với tốc độ tăng thấp nhất trong 50 năm. Tôi đã nói và tôi thực sự có thành ý khi nói rằng nếu như bất kỳ ai có thể đưa ra được một kế hoạch có thể được chứng minh là tốt hơn những cải thiện chúng ta đã làm được cho hệ thống y tế của chúng ta, và cung cấp bảo hiểm cho chừng đó người với chi phí thấp hơn, thì chính tôi sẽ công khai ủng hộ kế hoạch đó.

Bởi vì việc đó, dù nói thế nào đi nữa, chính là lý do tại sao chúng ta phụng sự. Không phải để ghi điểm lấy công mà để làm cho đời sống của con người ta trở nên tốt hơn.

Nhưng bất kể những tiến bộ thực sự mà chúng ta đã đạt được có là bao nhiêu thì chúng ta vẫn biết rằng như thế là chưa đủ. Nền kinh tế của chúng ta không vận hành thật tốt hay tăng trưởng thật nhanh khi một vài người trở nên giàu có do sự hy sinh lợi ích của một tầng lớp trung lưu đang lớn dần lên hay những chiếc thang của những người muốn bước vào giới trung lưu đó. Đây là tranh luận về mặt kinh tế. Nhưng sự bất bình đẳng quá rõ ràng cũng gây tổn hại cho những lý tưởng dân chủ của chúng ta. Khi mà số 1 phần trăm dân số trên cùng đã thu vén được phần tài sản và thu nhập lớn hơn thì quá nhiều các gia đình, trong các khu nội ô và các hạt nông thôn, đã bị bỏ lại phía sau - người công nhân nhà máy đã bị mất việc; cô phục vụ bàn hay người nhân viên y tế đang chật vật để sống qua ngày và phải vật lộn để thanh toán các chi phí sống – họ đều tin rằng trò đời chẳng qua đã bị cài cắm để làm hại họ, và rằng chính phủ của họ chỉ phục vụ lợi ích của những người có quyền lực - đó chính là công thức để có thêm sự phân cực và bất tín trong nền chính trị của chúng ta.

Nhưng không có phương cách nhanh chóng để giải quyết một xu hướng lâu dài. Tôi đồng ý rằng thương mại của chúng ta phải công bằng nữa chứ không chỉ là tự do. Nhưng làn sóng tiếp theo của việc phá vỡ các nền tảng kinh tế sẽ không đến từ nước ngoài. Nó sẽ đến từ sự tự động hóa không ngừng khiến cho nhiều công việc tốt của giới trung lưu trở nên lạc hậu.

Và chính vì thế nên chúng ta cần phải tạo ra một khế ước xã hội mới để đảm bảo rằng tất cả con em của chúng ta nhận được sự giáo dục mà các cháu cần; để trao cho người công nhân năng lực để lập công đoàn nhằm có được mức lương tốt hơn; để cập nhật lưới an sinh xã hội nhằm phản ánh được cung cách sống hiện nay của chúng ta, và để tạo ra nhiều cải cách hơn nữa đối với luật thuế để các công ty và các cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất từ nền kinh tế mới của chúng ta không tránh né những trách nhiệm của họ đối với đất nước đã giúp họ thành công.

Chúng ta có thể tranh cãi về cách làm thế nào để đạt được những mục tiêu này. Nhưng chúng ta không được phép thờ ơ đối với những mục tiêu đó. Bởi vì nếu như chúng ta không tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, thì sự thờ ơ và chia rẽ đã ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta sẽ chỉ trở nên sâu sắc hơn trong những năm sắp tới.

Có một mối đe dọa thứ hai đối với nền dân chủ của chúng ta, mối đe dọa này lâu dài bằng lịch sử của chính đất nước của chúng ta. Sau khi tôi được bầu làm tổng thống, đã có những thảo luận về nước Mỹ hậu chủng tộc. Quan điểm này, dù có thiện ý bao nhiêu đi nữa, cũng chưa bao giờ là thực tiễn. Vấn đề chủng tộc tiếp tục là một thế lực chia rẽ xã hội của chúng ta. Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng cho dù nhiều người có nói khác đi thì các mối quan hệ chủng tộc hiện nay tốt hơn nhiều so với 10, 20, hay 30 năm trước. Các bạn có thể nhìn thấy điều này không chỉ bằng các con số thống kê mà còn trong thái độ của những người Mỹ trẻ ở khắp mọi phân tầng chính trị.

Nhưng chúng ta vẫn còn chưa đến được nơi mà chúng ta cần phải đến. Tất cả chúng ta đều vẫn còn việc phải làm. Nói gì đi nữa thì nếu như mọi vấn đề kinh tế đều được đóng khung như là một sự đấu tranh giữa một giới trung lưu da trắng làm việc cực nhọc và những nhóm thiểu số không xứng đáng được hưởng thì những người làm công mọi màu da sẽ tiếp tục bị bỏ lại đằng sau để giành giật những mẩu đồ thừa trong khi người giàu rút lui về những nơi chốn riêng tư của họ. Nếu như chúng ta không sẵn lòng đầu tư cho con em của những người nhập cư, chỉ vì trông các cháu không giống chúng ta, thì chúng ta sẽ làm giảm đi triển vọng tương lai của chính con cái của chúng ta bởi vì chính những đứa trẻ màu da nâu đó sẽ đại diện cho một tỷ lệ ngày càng lớn hơn lực lượng lao động Mỹ. Và chúng ta cũng đã cho thấy là nền kinh tế của chúng ta không nhất thiết phải là một trò chơi tổng bằng 0 của người thắng kẻ thua. Năm ngoái thu nhập đã tăng cho tất cả các nhóm chủng tộc, tất cả các nhóm tuổi tác, cho cả đàn ông và phụ nữ.

Vậy nếu như chúng ta nghiêm túc về con đường tiến lên phía trước, chúng ta phải đề cao những luật lệ chống lại sự kỳ thị - trong các vấn đề thuê làm, nhà ở, về giáo dục và hệ thống tư pháp hình sự. Đây chính là điều mà Hiến pháp cũng như những lý tưởng cao cả nhất của chúng ta đòi hỏi.

Nhưng nếu chỉ có luật không thôi thì chưa đủ. Chính Trái tim cũng phải thay đổi. Nhưng trái tim không thay đổi một sớm một chiều. Các thái độ trong xã hội thường mất vài thế hệ mới thay đổi được. Nhưng nếu như nền dân chủ của chúng ta cuối cùng nhất thiết phải vận hành được trong quốc gia ngày càng đa dạng này thì mỗi người trong chúng ta nên cố gắng làm theo lời khuyên của một nhân vật lớn trong văn chương Mỹ là Atticus Finch, là người đã nói “ Bạn sẽ không thể nào hiểu được một người cho đến khi bạn xem xét mọi việc từ góc nhìn của anh ta, cho đến khi bạn chui vào trong bụng của anh ta và đi loanh quanh trong đó.”

Đối với người Mỹ da đen và dân các nhóm thiểu số khác, điều này có nghĩa là phải gắn bó sự đấu tranh rất thật của chúng ta vì công lý với những thách thức mà rất nhiều người trong quốc gia này phải đối mặt – không phải chỉ những người tị nạn, hay người nhập cư, hay người nghèo nông thôn, hay người Mỹ chuyển giới, mà còn cả người Mỹ da trắng trung niên trông bề ngoài tưởng như được thuận lợi mọi đường, nhưng lại là người đã nhìn thấy thế giới của ông ta bị đảo lộn bởi những sự thay đổi về công nghệ, văn hóa, kinh tế.

Đối với người Mỹ da trắng, điều này có nghĩa là cần thừa nhận rằng ảnh hưởng của chế độ nô lệ và Jim Crow không bất ngờ biến đi cùng với thập kỷ 60, rằng khi những nhóm thiểu số nói lên sự bất bình của họ, họ không chỉ là đang tham gia vào một quá trình kỳ thị chủng tộc ngược hay là thực thi sự đúng đắn chính trị. Khi họ tham gia vào biểu tình hòa bình, họ không phải đang đòi hỏi sự cư xử đặc biệt mà chỉ là sự cư xử công bằng mà các vị Khai Quốc của chúng ta đã hứa.

Đối với những người Mỹ được sinh ra ở bản địa, điều này có nghĩa là gợi nhớ cho chúng ta rằng những hình mẫu đơn điệu một chiều được nói về những người nhập cư hôm nay cũng đã từng được nói gần như đúng từng từ một về những người Ái Nhĩ Lan, người Ý, hay người Ba Lan – những người bị cho là sẽ phá vỡ những tính cách căn bản của nước Mỹ. Và cuối cùng như người ta thấy, nước Mỹ không bị làm yếu đi bởi sự hiện diện của những người mới đến, họ cũng trân trọng lí tưởng của quốc gia này và nhờ thế mà đất nước này mạnh mẽ hơn lên.

Và vì thế bất kể là chúng ta đang đứng ở vị thế nào, chúng ta đều phải cố gắng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải bắt đầu bằng tiền đề rằng mỗi người công dân bằng hữu của chúng ta đều yêu đất nước này nhiều như chúng ta yêu, rằng họ cũng đề cao tinh thần làm việc chăm chỉ và gia đình giống như chúng ta đề cao, rằng con em của họ cũng tò mò và hi vọng và xứng đáng được yêu y như con cái của chúng ta.

Điều này làm được không phải dễ. Đối với quá nhiều người trong chúng ta, hiện nay lựa chọn an toàn hơn là rút lui vào trong những bong bóng dù là ở khu phố hay trong trường đại học hay ở những nơi thờ phụng hoặc đặc biệt là trên mạng xã hội nơi chúng ta được bao bọc bởi những người có ngoại hình giống như chúng ta, chia sẻ cùng những góc nhìn chính trị và không bao giờ thách thức những giả thuyết của chúng ta. Sự gia tăng của tinh thần trung thành với đảng phái, sự phân giai tầng khu vực và kinh tế, sự đập vụn các phương tiện truyền thông để đảm bảo có đủ kênh riêng đáp ứng đủ mọi nhu cầu - tất cả những điều này làm cho cuộc đại phân loại trở nên tự nhiên, gần như tất yếu. Và chúng ta ngày càng trở nên quá an toàn tự tin trong cái bong bóng của chúng ta đến nỗi chúng ta chỉ chấp nhận những thông tin, dù đúng hay sai, phù hợp với ý kiến của riêng chúng ta, thay vì việc đặt ý kiến của chúng ta dựa trên những bằng chứng tồn tại khách quan.

Xu hướng này đại diện cho mối đe dọa thứ ba tới nền dân chủ của chúng ta. Chính trị là một cuộc chiến của các ý tưởng. Đó là cách nền dân chủ đã được thiết kế. Trong cuộc tranh luận lành mạnh, chúng ta đặt ưu tiên cho những mục tiêu khác nhau, và những công cụ khác nhau để đạt được chúng. Nhưng nếu như thiếu vắng một nền tảng cơ sở của các dữ kiện, nếu như thiếu một sự sẵn lòng thừa nhận thông tin mới, và để chấp nhận rằng đối thủ của bạn có lẽ cũng đang đưa ra một quan điểm đúng đắn, và rằng khoa học và lý trí cũng quan trọng, thì chúng ta sẽ tiếp tục nói vượt qua nhau khiến cho việc đạt tới được một nền tảng chung và sự thỏa hiệp là bất khả thi.

Phải chăng đây là một phần của lý do tại sao chính trị lại thường làm cho người ta nản lòng như vậy? Tại sao những quan chức dân cử lại giận dữ về các khoản thâm hụt khi chúng ta đề xuất chi tiền cho giáo dục mẫu giáo cho trẻ em nhưng lại không giận dữ khi chúng ta cắt thuế cho các công ty? Làm sao chúng ta có thể bỏ qua cho những sự vi phạm đạo đức ở trong đảng của chính chúng ta nhưng lại giận dỗi khi đảng bên kia cũng làm đúng như vậy? Cách sắp xếp có lựa chọn các dữ kiện kiểu này không chỉ là không trung thực; mà nó còn làm mất hết cả tác dụng tốt. Bởi vì như mẹ tôi vẫn thường nói với tôi thực tế có cách để bắt kịp với bạn đó.

Hãy thử xem xét thách thức của biến đổi khí hậu. Chỉ trong tám năm, chúng ta đã giảm một nửa sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu mỏ của nước ngoài, đã làm tăng gấp đôi lượng năng lượng tái tạo của chúng ta, đã dẫn dắt thế giới đạt được một thỏa ước hứa hẹn cứu giúp được cho hành tinh này. Nhưng nếu thiếu một hành động mạnh mẽ hơn, con cái chúng ta sẽ không có thời gian để tranh luận về việc liệu biến đổi khí hậu có tồn tại hay không mà chúng sẽ bận rộn giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu: các vụ thiên tai môi trường, những gián đoạn về kinh tế, và những làn sóng của những người di cư khí hậu tìm kiếm nơi cư trú an toàn.

Chúng ta có thể và cũng nên tranh luận về cách tiếp cận tốt nhất đối với vấn đề này. Nhưng nếu chỉ đơn giản phủ nhận vấn đề này thì chúng ta không chỉ phản bội những thế hệ tương lai mà còn phản bội lại tinh thần căn bản về phát minh và giải quyết vấn đề thực tiễn đã dẫn dắt những vị Khai quốc của chúng ta.

Chính cái tinh thần đó, sinh ra từ thời Khai Sáng, đã giúp chúng ta trở thành một cường quốc về kinh tế, là tinh thần đã bay lên từ Kitty Hawk và Cape Canaveral, chính là tinh thần đã giúp chữa bệnh và thu nhỏ đưa máy tính vào trong túi.

Tinh thần đó - một niềm tin vào lý trí, tinh thần kinh doanh, và tính siêu việt của cái đúng trước cái mạnh, đã giúp chúng ta kháng cự lại được sức lôi cuốn của Chủ nghĩa Phát xít và bạo quyền trong kỳ Đại Khủng hoảng; chính nó đã cho phép chúng ta xây dựng một trật tự thế giới Hậu Thế chiến Hai, cùng với các nền dân chủ khác, một trật tự dựa trên không chỉ sức mạnh quân sự hay liên kết giữa các quốc gia mà dựa trên các nguyên tắc - pháp quyền, nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, phát ngôn, hội họp, và báo chí độc lập.

Trật tự đó hiện nay đang bị thách thức - trước hết bởi những kẻ điên khùng bạo lực tự nhận là đang phát ngôn thay mặt Hồi giáo; và gần đây hơn là bởi những kẻ quan liêu chuyên quyền ở các thủ đô nước ngoài, những người cho rằng thị trường tự do, các nền dân chủ mở, và xã hội dân sự là mối đe dọa đến quyền lực của họ. Mối hiểm nguy mà mỗi vấn đề này đặt ra cho nền dân chủ của chúng ta có tác hại sâu xa hơn một vụ đánh bom bằng ô tô hay quả tên lửa. Nó đại diện cho sự sợ hãi đối với sự thay đổi; sự sợ hãi đối với những người có ngoại hình hay giọng nói hay cách cầu nguyện không giống ta; sự coi thường nền pháp trị là thứ giúp giữ cho các lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về hành động của họ; sự thiếu khoan dung đối với tự do tư tưởng và bất đồng quan điểm; một niềm tin rằng thanh kiếm hay khẩu súng hay quả bom hay bộ máy tuyên truyền mới chính là trọng tài cuối cùng quyết định xem cái gì là đúng đắn hay đúng sự thật.

Chính nhờ sự can đảm đặc biệt của các nam nữ quân nhân của chúng ta, chính nhờ các sĩ quan tình báo, nhân viên cảnh sát và ngoại giao đã hỗ trợ quân đội của chúng ta, mà không một tổ chức khủng bố nước ngoài nào đã thành công trong việc lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công khủng bố trên đất nước của chúng ta trong suốt tám năm qua. Và mặc dù Boston hay Orlando hay San Bernardino hay Fort Hood gợi nhớ cho chúng ta là chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm như thế nào, các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta hiện nay hoạt động hữu hiệu và cảnh giác hơn bất kỳ lúc nào. Chúng ta đã tiêu diệt được hàng chục ngàn tên khủng bố, bao gồm cả Bin Laden. Liên minh toàn cầu mà chúng ta dẫn đầu chống lại ISIL đã tiêu diệt những lãnh đạo của chúng và chiếm lại một nửa lãnh thổ của chúng. ISIL sẽ bị hủy diệt, không có kẻ nào dám đe dọa Nước Mỹ lại có thể được an toàn.

Tôi muốn nói với tất cả những ai đã từng hay đang phục vụ trong quân ngũ là được làm tổng tư lệnh của các bạn là vinh dự của đời tôi. Tất cả chúng tôi đều nợ các bạn lòng biết ơn sâu sắc.

Nhưng việc bảo vệ lối sống của chúng ta không chỉ là công việc của quân đội. Nền dân chủ có thể bị tổn thương khi chúng ta để sự sợ hãi xâm chiếm. Và vì vậy, chúng ta, là công dân, phải duy trì sự cảnh giác chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, và đồng thời phải cảnh giác ngăn chặn sự suy yếu những giá trị định hình danh tính của chúng ta.

Và đó là lý do tại sao trong tám năm qua tôi đã làm việc để giúp cho cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố có một nền tảng pháp lý vững chắc hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta đã kết thúc các biện pháp tra tấn, đã cố gắng để đóng cửa trại giam Gitmo, cải cách những bộ luật điều phối việc theo dõi để bảo vệ sự tự do và các quyền công dân. Đó là lý do tại sao tôi lên án sự kỳ thị chống lại những người Mỹ theo đạo Hồi, là những người yêu nước cũng giống như chúng ta.

Đó cũng là lý do tại sao chúng ta không thể rút lui khỏi những cuộc chiến đấu lớn toàn cầu - để mở rộng nền dân chủ, các quyền con người, các quyền của phụ nữ và quyền của cộng đồng LGBT. Dù cho các nỗ lực của chúng ta có bất toàn tới đâu, dù cho việc lờ đi những giá trị đó có vẻ tiện lợi tới đâu thì đó vẫn là một phần của việc bảo vệ nước Mỹ. Bởi vì cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan, sự bất khoan dung, chủ nghĩa sùng bái mù quáng quốc gia hay tôn giáo là đồng nhất với cuộc chiến đấu chống lại độc tài và chủ nghĩa bá quyền. Nếu như quy mô của tự do và sự tôn trọng pháp quyền bị thu hẹp lại trên toàn thế giới thì khả năng xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia sẽ tăng lên, và những quyền tự do của chính chúng ta cuối cùng cũng sẽ bị đe dọa.

Vì thế hãy cùng cảnh giác nhưng đừng sợ hãi. ISIL sẽ còn cố gắng giết hại người dân vô tội. Nhưng chúng không thể đánh bại nước Mỹ trừ phi chúng ta phản bội lại Hiến Pháp cũng như những nguyên tắc của chúng ta trong cuộc chiến đấu đó. Những đối thủ như Nga hay Trung Quốc không thể nào so sánh được tầm ảnh hưởng của họ với tầm ảnh hưởng của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới trừ phi chúng ta loại bỏ những gì mà chúng ta đại diện và tự biến chúng ta thành lại chỉ là một quốc gia lớn khác chuyên môn đi bắt nạt những quốc gia láng giềng nhỏ hơn.

Và điều này đưa tôi đến điểm cuối cùng tôi muốn nói: nền dân chủ của chúng ta bị đe dọa bất kỳ khi nào chúng ta coi nó như là sự nghiễm nhiên phải có. Tất cả chúng ta, dù theo đảng phái nào, cần phải dấn thân vào nhiệm vụ xây dựng lại những thể chế dân chủ của chúng ta. Khi tỷ lệ đi bầu ở Mỹ đứng ở mức thấp nhất trong số những nền dân chủ phát triển, chúng ta cần phải làm cho việc bầu cử dễ hơn chứ không phải khó hơn. Khi cấp độ niềm tin vào các thể chế của chúng ta thấp, chúng ta phải làm giảm ảnh hưởng xói mòn của đồng tiền lên nền chính trị của chúng ta, và phải đòi hỏi người ta tuân thủ những nguyên tắc về sự minh bạch và đạo đức trong nền hành chính. Khi Quốc hội không vận hành đúng chức năng, chúng ta phải sửa đổi lại các ranh giới khu quận bầu cử để khuyến khích các chính trị gia hành động dựa trên cảm quan tốt chứ không phải những quan điểm cực đoan cứng nhắc.

Nhưng xin ghi nhớ là không có điều nào trong số này có thể tự xảy ra. Tất cả những điều này phụ thuộc vào sự tham gia của chúng ta; phụ thuộc vào việc mỗi chúng ta chấp nhận trách nhiệm của tinh thần công dân, bất kể việc con lắc quyền lực đang nghiêng sang bên nào.

Hiến pháp của chúng ta là một món quà đẹp tuyệt vời. Nhưng trên thực tế nó chỉ là một mảnh giấy. Bản thân nó không có quyền lực gì cả. Chúng ta, người dân, đã trao quyền lực cho nó. Chúng ta, người dân, đã trao cho nó ý nghĩa thông qua sự tham gia của chúng ta cùng với những lựa chọn ta đưa ra cũng như những liên minh mà ta thiết lập. Dù cho chúng ta có đứng lên bảo vệ cho những quyền tự do hay không. Dù cho chúng ta có tôn trọng và bảo vệ nền pháp trị hay không. Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Nước Mỹ không phải là một thực thể dễ vỡ. Nhưng những tiến bộ trên hành trình dài của chúng ta tiến tới tự do sẽ không được đảm bảo.

Trong bài phát biểu chia tay của ông ấy, Tổng thống George Washington đã viết rằng chính phủ tự trị chính là nền tảng cho sự an toàn, thịnh vượng, và tự do, nhưng “sẽ có nhiều kẻ từ nhiều nơi với nhiều cách cố gắng hết sức để làm suy yếu đi trong tâm trí của các bạn niềm tin vào sự thật này”. Và vì thế chúng ta cần phải bảo vệ sự thật này với một “niềm lo lắng nhiệt thành”; và chúng ta phải loại bỏ “ngay từ lúc khởi đầu bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ ai định chia rẽ bất kỳ bộ phận nào của đất nước chúng ta từ những người còn lại để làm suy yếu những mối dây liên hệ thiêng liêng” giúp chúng ta trở thành một thể thống nhất.

Thưa nhân dân Mỹ, chúng ta làm suy yếu những mối dây liên hệ đó khi chúng ta cho phép những đối thoại chính trị của chúng ta trở nên xói mòn đến nỗi mà những người đạo đức không còn sẵn lòng tham gia vào nền hành chính; hay hàm chứa nhiều sự hằn thù đến nỗi khiến chúng ta nhìn những người Mỹ không đồng tình với chúng ta như những người không chỉ bị lạc lối mà còn có ác tâm. Chúng ta làm yếu đi những mối dây liên hệ đó khi chúng ta định nghĩa một vài người trong số chúng ta là nhiều chất Mỹ hơn những người khác; khi chúng ta cho rằng cả hệ thống này là tha hóa hết thuốc chữa; và khi chúng ta ngồi duỗi chân ra phán xét đổ lỗi cho những người lãnh đạo mà chúng ta bầu lên mà không hề bận tâm xem xét vai trò của chính chúng ta trong việc bầu cho họ.

Mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm là những thiên thần hộ mệnh bảo vệ lo lắng nhiệt thành cho nền dân chủ của chúng ta; để nâng niu nhiệm vụ vui mừng mà chúng ta đã được trao để cố gắng liên tục cải thiện đất nước vĩ đại này của chúng ta. Bởi vì dù bên ngoài chúng ta có những sự khác biệt thì bên trong chúng ta trên thực tế vẫn chia sẻ cùng một danh hiệu tự hào, thể chế quan trọng nhất trong một nền dân chủ: Vai trò Người Công dân. Người Công dân.

Vậy đó, các bạn đã thấy, đó là những gì mà nền dân chủ của chúng ta đòi hỏi. Nó cần bạn. Không chỉ khi có một kỳ bầu cử đang diễn ra, không chỉ khi lợi ích hẹp hòi của chính bạn đang bị liên đới, mà trong suốt cả quá trình dài của một đời người. Nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi khi tranh cãi với những người lạ trên mạng Internet, hãy thử nói chuyện với một người trong số họ trong đời thực xem sao. Nếu thấy có điều gì đó cần được sửa, hãy xỏ giầy vào và bước đi tổ chức mọi người. Nếu như bạn thất vọng bởi những quan chức dân cử, hãy tự cầm sổ đi thu thập chữ ký và ra ứng cử. Hãy đến, hãy tham gia, và hãy ở lại đến tận cùng.

Đôi khi thì bạn sẽ chiến thắng. Đôi khi thì bạn sẽ thua. Lúc nào cũng tin tưởng vào lòng tốt nơi mọi người cũng có thể là một rủi ro và sẽ có những lúc mà toàn bộ quá trình này sẽ làm bạn thất vọng. Nhưng đối với những người trong chúng ta có may mắn để từng được là một phần của quá trình này để được nhìn nó cận cảnh tận mắt, thì tôi nói với các bạn rằng quá trình này có thể làm bạn như có thêm sức và cảm hứng. Và thường thì là sau đó niềm tin của bạn vào nước Mỹ và vào người Mỹ sẽ được khẳng định.

Niềm tin đó của tôi chắc chắn đã được khẳng định. Trong thời gian tám năm vừa qua, tôi đã được nhìn thấy những khuôn mặt đầy hy vọng của những sinh viên mới tốt nghiệp cũng như những tân binh của chúng ta. Tôi cũng đã cùng chia buồn với các gia đình chịu tang đang tìm kiếm những câu trả lời, và tôi cũng đã tìm thấy ơn lành tại một nhà thờ ở Charleston. Tôi đã nhìn thấy những nhà khoa học của chúng ta giúp một người đàn ông bại liệt phục hồi được xúc giác của anh ấy. Tôi cũng đã nhìn thấy những chiến binh bị thương bị người ta lầm tưởng là đã chết giờ có thể đi lại được. Tôi đã nhìn thấy các bác sĩ và những tình nguyện viên làm công việc tái thiết sau các trận động đất và ngăn chặn các dịch bệnh. Tôi cũng đã nhìn thấy qua ví dụ của những trẻ em còn rất bé sự gợi nhớ cho chúng ta thông qua hành động cũng như sự hào phóng của các em về trách nhiệm của chúng ta chăm sóc cho những người tị nạn, và phấn đấu làm việc cho hòa bình và, trên hết, chăm sóc cho nhau.

Và vì thế cái niềm tin mà tôi đã đặt nhiều năm trước đây ở nơi cách đây không xa vào năng lực của những người Mỹ bình thường mang tới sự thay đổi - niềm tin đó đã được tưởng thưởng theo những cách mà trước đây tôi không thể tưởng tượng có thể xảy ra. Và tôi hi vọng rằng niềm tin của các bạn cũng đã được tưởng thưởng như vậy. Một vài người trong số các bạn có mặt ở đây hôm nay hay là đang xem buổi phát biểu này từ gia đình đã có mặt với chúng tôi từ năm 2004, năm 2008, hay năm 2012 - có lẽ các bạn vẫn không thể tin được là chúng ta đã hoàn thành được tất cả những gì chúng ta đã làm được. Để tôi nói cho bạn biết là bạn không phải là người duy nhất nghĩ vậy đâu.

Michelle, Michelle LaVaughn Robinson người khu Nam Chicago, trong 25 năm qua em không chỉ là vợ của anh và mẹ của các con anh, em còn là người bạn thân nhất của anh. Em đã đóng một vai trò mà em không yêu cầu và em, với sự duyên dáng, kiên nhẫn, kiểu cách, và tinh thần hài hước, đã biến vai trò đó thành của riêng em. Em đã biến Nhà Trắng thành một nơi thuộc về tất cả mọi người. Và thế hệ mới đã đặt những mục tiêu cao hơn bởi vì họ có em là hình mẫu. Em đã làm cho anh hãnh diện. Và em đã làm cho đất nước hãnh diện.

Malia và Sasha, thật là không biết bằng cách nào mà các con đã trở thành hai thiếu nữ tuyệt vời. Các con thông minh và xinh đẹp, nhưng điều quan trọng hơn cả là các con tử tế, biết suy nghĩ sâu sắc, và có đầy đam mê. Các con đã mang thật dễ dàng sức nặng của những năm tháng phải đứng ở trong sự chú ý của công chúng. Trong tất cả những gì bố đã làm được trong đời, bố cảm thấy hãnh diện nhất là được làm bố của các con.

Thưa ông Joe Biden, cậu trai luộm thuộm đến từ Scranton, người đã trở thành đứa con yêu của Bang Delaware. Ông là quyết định đầu tiên tôi đưa ra khi trở thành ứng cử viên, và đó là quyết định tốt nhất của tôi. Không chỉ bởi vì ông đã là một Phó Tổng thống tuyệt vời mà bởi vì trong thương vụ này tôi đã có lời khi có thêm được một người anh trai. Chúng tôi thương ông và Jill như người trong gia đình vậy. Và tình bạn của ông là một trong những niềm vui lớn trong đời của chúng tôi.

Thưa các nhân viên tuyệt vời của tôi, trong suốt tám năm và đối với một vài người trong số các bạn thì còn lâu hơn thế nữa, tôi đã hút năng lượng của các bạn và hàng ngày tôi lại cố phản ánh lại những gì mà các bạn là hiện thân: trái tim, tính cách, lý tưởng. Tôi đã nhìn thấy các bạn lớn lên, kết hôn, sinh con, và bắt đầu những chuyến đi tuyệt vời của riêng các bạn. Ngay cả khi thời thế trở nên khó khăn và thất vọng, các bạn không bao giờ để Washington lấy đi những điều tốt đẹp ở bên trong các bạn. Các bạn cẩn thận ngăn chặn sự hoài nghi. Và điều duy nhất làm cho tôi cảm thấy tự hào hơn những điều tốt chúng ta đã cùng làm được là suy nghĩ về tất cả những gì tuyệt vời mà các bạn sẽ đạt được kể từ nay trở đi.

Vài lời dành cho tất cả các bạn ở ngoài kia, tất cả những người tổ chức cộng đồng đã chuyển đến sống ở một thành phố xa lạ, tới mỗi gia đình hiếu khách đã chào đón họ đến nhà, tất cả những người tình nguyện đã đi gõ cửa, tất cả những người trẻ tuổi lần đầu trong đời bỏ phiếu, tất cả những người Mỹ đã sống và hít thở cái công việc nặng nề của sự thay đổi - chính các bạn là những người ủng hộ và những người tổ chức tuyệt vời nhất bất kỳ ai có thể mong có được, và tôi sẽ biết ơn các bạn mãi mãi. Bởi vì chính các bạn đã thay đổi thế giới. Vâng chính các bạn đã làm điều đó.

Và đó là lý do tại sao tôi sẽ rời sân khấu này đêm nay cảm thấy lạc quan về đất nước của chúng ta hơn cả khi chúng ta khởi đầu đi ra. Bởi vì tôi biết công việc của chúng ta đã không chỉ giúp cho nhiều người Mỹ, mà công việc đó còn tạo cảm hứng cho rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là rất nhiều người trẻ ở ngoài kia, để họ tin rằng họ cũng có thể tạo ra một sự khác biệt, để họ đánh xe cuộc đời hướng tới những gì vĩ đại hơn chính bản thân họ.

Cho tôi được nói một lời với các bạn, thế hệ ngày hôm nay đang lớn lên - một thế hệ không vị kỷ, đầy lòng trắc ẩn, sáng tạo, ái quốc - tôi đã nhìn thấy các bạn ở mọi nơi trên đất nước của chúng ta. Các bạn tin tưởng vào một nước Mỹ công bằng, bình đẳng, bao trọn tất cả mọi người. Các bạn biết rằng sự thay đổi liên tục là một dấu ấn đặc trưng của Mỹ; đó không phải là điều đáng sợ mà là điều chúng ta cần nâng niu. Các bạn sẵn lòng tự mình tiếp tay làm công việc nặng nề đưa nền dân chủ tiến lên phía trước. Chẳng mấy lúc nữa các bạn sẽ đông hơn tất cả chúng tôi, và tôi tin rằng kết quả là tương lai của chúng ta sẽ được đặt trong những bàn tay đáng tin cậy.

Thưa các bạn công dân Mỹ, được phụng sự các bạn là vinh dự của đời tôi. Tôi sẽ không dừng lại. Thực tế là tôi sẽ tiếp tục có mặt ở ngay đây cùng với các bạn trong vai trò của một công dân trong những ngày còn lại của đời tôi. Nhưng vào lúc này, dù bạn còn trẻ hay chỉ còn trẻ trong tim, tôi có một điều cuối cùng muốn đề nghị các bạn trong vai trò là tổng thống của các bạn, đây cũng giống điều tôi đã yêu cầu các bạn hãy cho tôi một cơ hội tám năm trước đây. Tôi đề nghị các bạn hãy tin. Không phải tin vào khả năng của tôi mang đến sự thay đổi mà là tin vào chính khả năng của các bạn làm việc đó.

Tôi đề nghị các bạn hãy nắm giữ thật chặt niềm tin đã được viết trong những tài liệu lập quốc của chúng ta; chính là những ý tưởng đã được thì thầm bởi những người nô lệ và những người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ; cũng là một tinh thần được hát lên bởi những người nhập cư, những người khẩn hoang, những người diễu hành vì công lý; ý thức hệ được khẳng định bởi những người đã cắm cờ từ các chiến trường hải ngoại cho tới mặt trăng; ý thức hệ nằm ở tâm can của mỗi người Mỹ mà câu truyện cuộc đời còn chưa được viết ra: Vâng, Chúng ta có thể. (Yes, we can.)

Vâng, Chúng ta đã làm được. Đúng, Chúng ta có thể làm được.

Xin cảm ơn các bạn. Cầu Chúa phù hộ cho các bạn. Cầu Chúa tiếp tục phù hộ cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

(Washington DC, 9.35pm Jan 11, 2017)

A.P. – H.N.

Nguồn: FB Anh Phạm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn