Trục xuất nhân viên Sứ quán, dọa tiếp tục trả đũa, và tâm lý bà con người Việt tại Đức

Bauxite Việt Nam tổng hợp

1. Ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Tổng cục Tình báo Việt Nam ở Berlin đã bị Chính phủ Đức trục xuất

Trung Khoa

Sự việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc giữa ban ngày tại thủ đô Berlin bắt đầu có tác động tiêu cực tới cộng đồng người Việt ở đây. 

clip_image002

Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin trong những ngày sóng gió này (Ảnh: Đài truyền hình ZDF)

clip_image003

Ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Tổng cục Tình báo Việt Nam ở Berlin

Trong thông cáo báo chí của Chính phủ Đức ra ngày 2.8, một nhân viên ngoại giao của tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin đã phải nhận lệnh trục xuất, chia tay các bạn bè, đồng nghiệp, kèm theo cơ hội trở lại nước Đức trở nên xa vời.

Được biết, sau khi cảnh sát điều tra Berlin lần ra được mối liên hệ của nơi này với việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc hôm 23.7 vừa qua, đã dẫn đến lệnh trục xuất vị cán bộ của Việt Nam trong vòng 48 giờ phải rời khỏi nước Đức. 

Theo an ninh Đức, các nhân chứng có mặt tại hiện trường khi vụ bắt cóc xẩy ra, đã mô tả cách những người đàn ông có vũ trang ngày 23 tháng Bảy, vào buổi sáng, ép buộc và đẩy một người đàn ông cùng [một] người phụ nữ vào trong một chiếc xe với biển số Cộng hòa Séc. Sự việc xảy ra ở phía trước khách sạn Sheraton ở quận Tiergarten Berlin.

Cộng đồng người Việt tại Đức đang phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng với cơ quan đại diện của họ; nhiều người bày tỏ lo lắng khi tình hình an ninh trật tự ở đây đang trở nên xấu đi, bất cứ lúc nào bản thân và gia đình họ cũng có thể bị những đối tượng có vũ trang đột nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Đức để bắt cóc hoặc khủng bố.

Nhiều gia đình người Việt quá lo lắng, nên đã bày tỏ với cảnh sát Đức nguyện vọng được lưu tâm bảo vệ, họ đã được giải thích và cung cấp số điện thoại 110 để bấm mỗi khi cần.

clip_image004

Xe auto có biển số Séc đã áp tải ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Berlin

T.K.Thoibao.de

Nguồn: http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11317/ong-nguyen-duc-thoa%252c-dai-dien-tong-cuc-tinh-bao-viet-nam-o-berlin-da-bi-chinh-phu-duc-truc-xuat-.htm

2. Đức dọa trả đũa Việt Nam vì 'bắt cóc' Trịnh Xuân Thanh

Video: VN không xác nhận tin 'Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc'

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8 tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.

Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc bắt cóc, và để hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình nói ông tự nguyện trở về nước.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc.

"Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc", ông Gabriel nói tại một cuộc họp báo.

"Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại Sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn", Ngoại trưởng Đức nói.

Ông Gabriel không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà Đức đang cân nhắc.

Ông nói thêm, ông Trịnh Xuân Thanh "đã bị đưa ra khỏi Đức bằng các biện pháp mà chúng tôi tin là người ta chỉ có thể xem được trong các phim ly kì về Chiến tranh Lạnh".

"Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận".

clip_image006

Ảnh Bộ Ngoại giao Đức - Twitter của Bộ Ngoại giao Đức đưa lời Ngoại trưởng hôm 4/8

Tối 3/8, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói lời "xin lỗi" trong chương trình thời sự.

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Được BBC hỏi về phản ứng sau khi VTV đưa tin, Bộ Ngoại giao Đức nói họ không có gì bổ sung ngoài tuyên bố đã ra hôm 2/8.

Nhưng trong thư trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh chữ đậm đoạn sau đây trong tuyên bố 2/8:

"Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý".

Trong khi đó, một Luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Petra Schlagenhauf nói với BBC sau khi xem đoạn phim:

"Đây là 'tự thú' ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, Chính phủ Đức biết".

Bà nói thêm: "Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ".

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Trong phim, ông Trịnh Xuân Thanh, ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã "suy nghĩ không chín chắn", "đành phải về để đối diện sự thật".

Ông nói muốn "cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi".

VTV cũng đưa hình về "đơn xin tự thú" ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, viết tay, được nói là của ông Thanh.

Đoạn thuyết minh nói trong đơn có đoạn:

"Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC, do lo sợ suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

"Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ.

clip_image008

Hình ảnh: VTV

"Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam, ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật".

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/8 "lấy làm tiếc" trước thông cáo của Đức nhưng dẫn lời Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú".

Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 cáo buộc Việt Nam "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh" và yêu cầu đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin về nước.

Trong thông cáo ra hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức nói họ có bằng chứng về việc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam lên vào tối 1/8, và sau đó đặt nhân viên tình báo tại Tòa Đại sứ vào vị trí "người không được hoan nghênh" (persona non grata), buộc phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40816890

3. Người Việt ở Đức "rất sốc" về vụ Trịnh Xuân Thanh

Cộng đồng người Việt ở Đức đang "rất hoang mang" và "tranh luận mạnh mẽ" vì chuỗi sự kiện liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, theo một nhà báo người Việt sinh sống và làm việc nhiều năm tại Đức.

"Có thể nói chưa bao giờ cộng đồng người Việt ở Đức lại trải qua một cơn sốc lớn như thế này", nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin nói với BBC.

Những hình ảnh tốt đẹp của người Việt tại Đức dường như "đổ bể" sau khi truyền thông Đức đưa tin rộng rãi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ông Hùng chia sẻ.

Vụ việc gây tranh luận lớn trong cộng đồng người Việt với rất nhiều ý kiến trái chiều.

"Chưa bao giờ trong cộng đồng lại có cuộc tranh luận mà ai cũng bộc lộ những suy nghĩ, tâm can của mình ra một cách công khai như vậy".

"Người bênh Việt Nam, người bênh phía Đức. Bên thì tranh luận bằng lý trí nhưng cũng nhiều bên bực dọc một cách lộ liễu".

Ông Hùng nhận xét cuộc tranh luận này cũng có mặt tích cực.

"Bây giờ người ta mới giật mình và để ý thấy tất cả những điều tạm gọi là chính trị đều có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mình, cho nên không ai có thể làm ngơ và cho rằng việc này chả có liên quan gì đến tôi cả".

clip_image010

Ảnh: Ronny Hartmann/Getty Images - Người Việt học việc tại một trung tâm việc làm ở Magdeburg, Đức.

'Làm hỏng hình ảnh người Việt thân thiện'

Chia sẻ với BBC về tâm lý của cộng đồng người Việt những ngày này, ông Lê Mạnh Hùng nói:

"Cộng đồng người Việt ở đây vào những năm 1990 dưới con mắt của Đức và xã hội Đức thì có rất nhiều tai tiếng. Từ đó đến nay, trải qua 15 năm với bao nỗ lực của người Việt, hình ảnh người Việt Nam ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Người ta nhìn mình thân thiện hơn".

"Tất cả những cái đó bây giờ dường như là đổ bể. Tâm trạng mọi người rất hoang mang, rất nản. Chúng tôi và nhiều đồng hương ở đây bây giờ tiếp xúc với đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, dù tế nhị thôi, nhưng người ta nhìn mình với con mắt rất ngờ vực".

"Những cụm từ mà nhiều năm gần đây được nghe thấy như người Việt chăm chỉ, người Việt thành công, con cái thành đạt v.v... dường như bây giờ bị lấn át bởi những cụm từ mà truyền thông [Đức] đưa suốt mấy ngày hôm nay. Nào là tội phạm, lẩn trốn, rồi trục xuất và nhiều thứ khác nữa. Cái đó khiến cho bà con ở đây rất hoang mang".

Quan chức Đại sứ quán VN phải rời Đức

Nhà báo Lê Mạnh Hùng nói với BBC rằng theo một số nguồn tin của ông thì nhân viên ngoại giao bị phía Đức coi là persona non grata và bị yêu cầu rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ "là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện của Cục tình báo Việt Nam".

Ông Hùng tin rằng người này không có cách nào khác ngoài việc phải chấp hành yêu cầu của Đức.

"Nếu không, quyền miễn trừ ngoại giao của ông Thoa sẽ mất và thậm chí ông ấy sẽ bị bắt và trục xuất, do sự hiện diện của ông tại Đức bị coi là bất hợp pháp", ông Hùng nói.

Đây là sự kiện gây hoang mang lớn trong cộng đồng người Việt, ông Hùng nhận xét.

"Trong suy nghĩ của không ít người Việt ở đây, những cán bộ này lẽ ra có thêm trọng trách là bảo vệ an ninh cho cuộc sống của người Việt ở đây nhưng bản thân ông ấy cũng bị Đức mời ra khỏi Đức. Cho nên người ta cũng đặt ra câu hỏi liệu cuộc sống ở đây có bảo đảm an toàn hay không".

Trả lời BBC về ảnh hưởng của việc này đối với việc làm thủ tục giấy tờ qua lại giữa Việt Nam và Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng sắp tới người Việt "sẽ gặp khó khăn không ít".

"Rõ ràng là người ta cũng cảnh giác hơn và mọi thủ tục phía Đức đặt ra cũng sẽ khắt khe hơn. Khi người ta có thiện cảm với mình thì mọi thứ nó sẽ khác. Nhưng bây giờ nếu người ta cảm thấy phải cảnh giác, phải thắt chặt mọi thứ lại thì những gì trong phạm vi luật định người ta sẽ làm rất chặt chẽ", ông Hùng nói.

"Bà con ở đây vẫn còn đang trong cơn sốc và chưa định đoán được hậu quả của sự vụ này sẽ đi đên đâu. Tất cả còn đang hồi hộp chờ xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo đây".

Áp lực trước kỳ bầu cử Đức

Một mối nguy cơ tiềm tàng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh là áp lực phải thực thi tốt nhiệm vụ của các cơ quan an ninh, cảnh sát Đức trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng.

"Các chính trị gia của Đức bây giờ đang chịu áp lực rất lớn của báo chí truyền thông và các đảng phái đối lập".

"Nếu chính phủ không chứng minh được là các cơ quan công quyền, các cơ quan an ninh, cảnh sát đã làm tròn nhiệm vụ của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc không đảm bảo được cuộc sống ở Đức như người ta tưởng tượng. Điều đó có tác động rất lớn tới chính trường của Đức và đặc biệt là với cuộc bầu cử tới đây".

clip_image012

Ảnh: Matthias Rietschel/Getty Images Image caption Người Việt ở thành phố Dresden trong lễ khánh thành cầu Waldschloesschen hồi năm 2013.

Người Việt được tỵ nạn chính trị ở Đức 'có tỷ lệ rất thấp'

Đánh giá về tin ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng tỷ lệ người Việt được Đức chấp nhận trao quy chế tỵ nạn chính trị kể từ 1990 trở lại đây là "rất thấp so với [người từ] các quốc gia khác".

Ông nói lý do của việc này là vì phía Đức cho rằng Việt Nam "không phải là nước quá bị đe dọa".

Ông cũng cho biết đơn xin tỵ nạn được xét kỹ theo từng trường hợp cụ thể và thủ tục thường kéo rất dài.

"Chỉ có điều chắc chắn nếu ai vào Đức mà đã nộp đơn xin tỵ nạn thì đơn đó phải được cứu xét, và trong thời gian đơn đó được cứu xét thì người đó được tạm dung trên nước Đức và cũng được bảo vệ giống như mọi công dân khác sống ở đây".

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40825758

Đọc thêm:

Trịnh Xuân Thanh bị chuyển về Việt Nam như thế nào (*)

Trung Khoa

       

Nhà báo Việt hải ngoại nốc ao báo chí Việt đất Việt!

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ thoibao.de tại Đức đã [làm] đo ván toàn bộ báo chí Việt tại đất Việt trong cuộc đua đưa tin về Trịnh Xuân Thanh từ Đức về "đầu thú" tại Việt nam. Ngay sau khi có tin TXT đầu thú tại Bộ Công an, ông Khoa khẳng định có chứng cứ về việc TXT bị "bắt và đưa đi" ở Berlin không theo tiến trình luật pháp Đức và nhận định Đức sẽ sớm phản ứng gay gắt. Nhận định của ông Khoa đã đúng, trong khi báo chí Việt trên đất Việt im bặt.

LS Trần Vũ Hải

Tối Thứ tư ngày 03/08/2017(giờ địa phương) chương trình Heute Journal, một chương trình thời sự hàng đầu nước Đức của đài truyền hình quốc gia Đức ZDF (một trong 2 đài truyền hình lớn nhất nước Đức) đã dành hơn 3 phút tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin và áp tải về Việt Nam.

clip_image015

Máy bay đã đợi sẵn để chở một bênh nhân đặc biệt từ Đông Âu về Việt Nam

clip_image017

Hiện trường chiếc ghế và địa điểm nơi ông Trịnh Xuân Thanh và nữ cán bộ Bộ Công thương bị bắt cóc

Việc bắt cóc được thực hiện giữa ban ngày, khi ông này đang cùng một người bạn ngồi nói chuyện trên chiếc ghế băng trong công viên Tiergarten, ở trung tâm thủ đô Berlin .

Nhóm đối tượng tấn công đã áp chế ông Trịnh Xuân Thanh và người đi cùng, lôi lên xe và chở sang một nước thuộc Đông Âu.

Tại đây đã có một chiếc máy bay chờ sẵn, ông Trịnh Xuân Thanh được đặt trong một chiếc cáng thương và các nhân viên mật vụ ngụy trang thành người chăm sóc bệnh nhân, đưa ông lên máy bay để chuyên chở về Việt Nam.

Sau khi nhận được thông tin trên báo chí tại Việt Nam đăng tải với nội dung ``ông Trịnh Xuân Thanh về tự nguyện đầu thú``. Bà Petra Schlagenhauf, Luật sư của ông Thanh, cho biết rằng thân chủ của bà không bao giờ tự nguyện đầu thú, vì ông ấy hoàn toàn biết rõ là Việt Nam không dành cho ông ấy một vụ xét xử đúng chuẩn mực hay ít ra là tương đối theo chuẩn mực của nhà nước pháp quyền (rechtsstaatliches Verfahren).

Video của kênh ZDF phát buổi họp báo vụ Trịnh Xuân Thanh hôm 2.8.2017

Đặc biệt (xem từ phút thứ 1:58) đài ZDF cho biết, ``Trịnh Xuân Thanh bị chuyển về Việt Nam trên một cáng cứu thương trong một chuyến bay chở bệnh nhân và những nhân viên mật vụ ngụy trang thành người khiêng cáng cứu thương. Máy bay cất cánh nơi nào đó ở Đông Âu``.

Cảnh sát tiếp tục làm rõ và sẽ công bố các chi tiết tiếp theo.

clip_image019

Ông Martin Schäfer - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tại buổi họp báo hôm 2.8 về vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin

clip_image021

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức - Bà. Petra Schlagenhauf

clip_image023

Vị trí đỗ xe đón đợi và chở ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi Berlin sang một nước Đông Âu

Thoibao.de sẽ tiếp tục cập nhật thông tin nhanh nhất.

T.K.

Nguồn: http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11316/trinh-xuan-thanh-bi-chuyen-tu-mot-nuoc-dong-au-ve-viet-nam-tren-cang-cuu-thuong%252c-trong-chuyen-bay-cho-benh-nhan.htm 

(*) Đầu đề do BVN hiệu chỉnh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn