Trao đổi với tác giả bài viết "Đôi lời với các vị"

Tô Văn Trường

Tôi đã đọc bài viết "Đôi lời với các vị" của GS Nguyễn Đình Cống đăng trên mạng Bauxit Việt Nam. Tác giả đã có những nhận xét ngắn gọn, xác đáng, nhìn chung bài viết có lí và có tình.

Theo tôi hiểu, trong mỗi con người đều có 5 bản năng gốc bao gồm sống (tồn tại), sinh sản (duy trì nòi giống), bầy đàn (đám đông), đầu đàn (quyền lực) và sáng tạo (tư duy). Riêng bản năng sáng tạo chỉ con người mới có và nhờ nó mà con người có văn hoá. Nên nhớ rằng văn hoá là tất cả những gì con người sáng tạo ra.

Thu vén, tham lam, tham ô… là hệ quả của bản năng sống. A dua, tôn giáo, đảng phái... là bản năng bầy đàn. Tham quyền cố vị, triệt hạ lẫn nhau, hám danh... là bản năng quyền lực. Ngoại tình, đam mê tình dục… là hệ quả của bản năng sinh sản. Cường độ và mức độ thể hiện của các bản năng đó khác nhau. Ví dụ bên Ấn Độ, Phi châu, bản năng tình dục phát triển nhiều còn ở Việt Nam, có lẽ sĩ diện cá nhân lại nổi trội. Hiểu được những đặc điểm đó ở mỗi cộng đồng, mỗi vùng là đã chiếm được nhiều ưu thế. Nhưng chọn thời điểm để tác động phải là một nghệ thuật.

Khái niệm bản năng gốc này là cội nguồn có ý nghĩa cơ sở để xem xét khách quan mọi vấn đề, của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Nó luôn là động lực cho sự tồn tại và phát triển của muôn loài, trong đó có loài người.

Bản năng gốc như 5 mô-men lực, nếu đồng pha thì phát triển, dị pha thì lụi tàn. Xã hội là tổng hoà các mô-men trung bình của từng nhóm lợi ích và mô-men nhóm là tổng hoà của mỗi thành viên.

Trở lại bài viết của GS Nguyễn Đình Cống góp ý với bài viết "Một nén hương xa tiễn bác" của Vũ Thư Hiên nói về bà Hoàng Thị Minh Hồ với những ngày sục sôi khí thế cách mạng năm 1945, trong đó có đoạn "Ngày ấy, người ta chỉ biết hi sinh cho một tương lai xán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào" thì có lẽ hơi vội .

Nhận xét của tác giả Nguyễn Đình Cống hoàn toàn chính xác vì không thể tuyệt đối hóa một nhận định về xã hội. Theo tôi biết, ông Đỗ Đình Thiện là một trong những người giúp việc thân cận cụ Hồ Chí Minh ở hội nghị Fontainebleau năm 1946 ở Pháp nhưng sau cải cách ruộng đất, mặc dù mới 50 tuổi, còn rất sung sức, ông đã chủ động, dứt khoát xin nghỉ việc, không làm cho Chính phủ bởi vì ông đã nhìn thấy trước các bất cập của chế độ trong khi các trí thức tên tuổi khác vẫn cung cúc phục vụ Chính phủ như các ông Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh…

Tuy nhiên, tác giả lại vướng vào điều này khi góp ý về bài 2 "Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện" của Quang Minh cho rằng mọi thói ngụy biện đều do gắn với chủ nghĩa Mác Lê-nin. Ngụy biện ở nước ta có từ thời xa xưa nên mới có câu chuyện về văn hóa "Tấm - Cám" lấy oán trả oán nhưng lại được ca ngợi là cô Tấm thảo hiền.

Ngẫm suy, dối trá đã thành thói quen trong rất nhiều cá nhân, tổ chức hiện nay và như Lev Tolstoy nói, thói quen là bản chất thứ hai. Và không có sự dối trá nào tồn tại mãi được. Người ta có thể dối trá một người trong cả đời của họ hay dối trá cả một tập thể trong thời điểm nào đó nhưng không ai có thể dối trá một tập thể người trong cả cuộc đời của tập thể người ấy.

Tôi đọc kĩ đoạn tác giả Nguyễn Đình Cống bình luận về bài viết "Quốc hội hãy làm sao để dân tin" của Tô Văn Trường, nguyên văn như sau:

"Tô tiên sinh bàn về chuyện các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ. Các đại biểu phải có câu hỏi hay, sâu sắc, được lòng dân, phải truy vấn đến tận cùng một vấn đề. Tôi nhất trí với tác giả. Tôi chỉ muốn nêu một ý kiến nhỏ, may ra có thể bổ sung.

Đã vài lần tôi đưa ra sự phân biệt đảng và đảng viên, Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vấn đề Tô tiên sinh nêu ra là "làm sao để dân tin". Chủ ngữ của động từ "làm", theo đầu đề là Quốc hội. Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng chủ ngữ nên là đại biểu. Cả một Quốc hội do đảng cử dân bầu, chủ yếu là bù nhìn thì chẳng làm được việc gì để dân tin. Muốn làm được gì thì ít nhất những người trong thường vụ phải thoát ra được khỏi sự khống chế của Bộ Chính trị, có được một sự độc lập nào đó xứng với danh hiệu cơ quan quyền lực cao nhất. Thực ra Tô tiên sinh cũng đã nhận ra điều này khi kết luận: "Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước".

Tuy Quốc hội chủ yếu là bù nhìn nhưng run rủi thế nào lại lọt được vào một số đại biểu có lương tri, tương đối có năng lực và trách nhiệm. Nhân dân trông chờ vào những đại biểu như vậy".

Ý kiến của tác giả Nguyễn Đình Cống nói trên cũng có lí nhưng nếu tuyệt đối hóa nhận định Quốc hội chỉ là bù nhìn, không có tích sự gì thì đánh giá như thế nào khi tiếng nói phản biện của dân và ý kiến của đại biểu dẫn tới Quốc hội có những nghị quyết đúng, được lòng dân, chẳng hạn nghị quyết dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nghị quyết dừng nhà máy điện hạt nhân…

Từ khi cầm bút làm công việc phản biện xã hội tôi, đã tự nhủ phản biện không phải là phản đối. Phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lí luận và khoa học về chủ đề của chính sách, pháp luật, quyết định, tác phẩm được phản biện mà tiến hành phân tích, xác định giá trị, những chỗ đúng, mới mẻ, sáng tạo, cần phát huy, những chỗ thiếu sót, cần bổ sung, những chỗ không chuẩn xác, cần sửa chữa trong chính sách, pháp luật, quyết định hoặc tác phẩm ấy.

Tùy trường hợp mà phản biện nặng về biểu dương thành tựu, hoặc nặng về vạch rõ khiếm khuyết, hoặc cân đối giữa hai phần khen và chê. Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là "phản" mà là "biện". Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận, nhất là kĩ năng ngôn ngữ, nếu không sẽ thiếu thuyết phục hay dẫn đến hiểu lầm. Đời không có gì là toàn mĩ cả. Muốn chuyển từ độc tài toàn trị sang dân chủ một cách hoà bình, không bằng bạo lực thì phải tận dụng mọi khả năng tạo ra từng chuyển biến dù nhỏ. Điều quan trọng là không tự thỏa mãn với những chuyển biến nhỏ mà phải làm sao có các chuyển biến nhiều hơn, mạnh hơn, đi tới xoay chuyển được thể chế một cách căn bản.

T.V.T

(Tác giả gửi BVN)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn