Việt Nam có tài nguyên dầu khí, nhưng chưa giàu. Vì sao?

Cát Linh, RFA

Hai ngày liên tiếp có hai sự kiện tích cực liên quan đến mỏ dầu khí ở Việt Nam được báo chí trong nước và trang tin tức về dầu mỏ thế giới loan tin. Đó là có thêm một mỏ dầu được phát hiện ngoài khơi phía Nam Việt Nam và dự án mỏ Cá Voi Xanh sẽ được hoàn thiện thủ tục và đưa vào khai thác năm 2019.

Qua sự kiện này, nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam được đánh giá như thế nào đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam?

clip_image002

Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil của Mỹ cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) khai thác dự án Mỏ Cá Voi Xanh. AFP

Chưa đáng mừng

Chính trang mạng của hãng năng lượng Murphy Oil của Mỹ hôm 9 tháng 11 đã công bố phát hiện ra dầu tại giếng CM-1X thuộc vùng trũng Nam Côn Sơn ngoài khơi phía Nam Việt Nam. Hãng này cho biết thêm sẽ đánh giá tiềm năng thương mại của giếng dầu này, cùng lúc với giếng CT-1X trong khu vực này được phát hiện có dầu vào quý 2 vừa qua.

Một ngày sau đó, đích thân Chủ tịch Exxon Mobil Development, ông Liam Mallon khẳng định bên lên tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra ở Đà Nẵng, rằng dự án mỏ Cá Voi Xanh sẽ được tiếp tục hoàn thiện thủ tục và các điều kiện kỹ thuật trong năm 2018 để có thể đưa vào khai thác năm 2019.

Đối tác của Exxon Mobil trong dự án này là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam). Petro Việt Nam cho biết khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh có thể mang về 24 tỷ USD cho ngân sách nhà nước.

Tài liệu từ Hiệp hội Xăng dầu cho biết Việt Nam là quốc gia có triển vọng dầu khí lớn. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của Việt Nam có trữ lượng tiềm năng khoảng trên 4 tỷ m3 dầu và gần đây mở rộng tìm kiếm đã phát hiện một số mỏ mới cho phép gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam.

clip_image004

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía Đông, do Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ làm nhà điều hành. Courtesy of zing.vn

Tuy nhiên, với câu hỏi Việt Nam có phải là một quốc gia được xem là có tiềm năng về trữ lượng dầu khí hay không, từ Singapore, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói ông không cho đó là một nhận xét đúng, vì theo ông, dầu mỏ Việt Nam có nhiều nhưng vẫn không đủ để dùng. Phân tích thêm về lịch sử khai thác dầu mỏ của Việt Nam, ông cho biết:

“Họ thăm dò từ những năm 60, như ở miền Bắc, chủ yếu thăm dò vùng sát Vịnh Bắc Bộ, đất liền thì ở Thái Bình, Thanh Hoá nhưng có khai thác được gì đâu? Mãi đến năm 79 thì mới khai thác được, thì những mỏ nhỏ ở Thái Bình đã khai thác hết, chỉ còn ngoài biển thôi, mà ngoài biển thì chủ yếu sau năm 1975 khai thác ở vùng biển từ Đà Nẵng đi ra, từ lô 101, chủ yếu ở quần đảo Trường Sa. Thực tế từ năm 1979 trở đi thì mới có khai thác về dầu và khí. Nhưng dầu thì luôn luôn nhiều hơn khí”.

Theo tài liệu ghi nhận từ Tạp chí Năng lượng Việt Nam, hoạt động tìm kiếm, hoạt động thăm dò dầu khí ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai từ những năm 1960. Các mỏ dầu khí đã từng được phát hiện ở mỏ Bạch Hổ (Cửu Long) và mỏ Đại Hùng (Nam Côn Sơn). Tổng trữ lượng khí có thể khai thác trong tương lai của Việt Nam khoảng 150 tỷ m3, cũng tập trung chủ yếu ở bể Cửu Long và Nam Côn Sơn.

Vẫn theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, những thông tin về trữ lượng dầu khí có thể khai thác ở Việt Nam chỉ là dự đoán:

“Lượng dầu mặc dù nói là lớn nhưng đó chỉ là dự đoán. Khai thác, moi được cái gì lên thì biết cái đó thôi. Mỏ Cá Voi Xanh chỉ là khí thôi, chứ không nhiều dầu đâu”.

Cho nên theo ông, trong tương lai, Exxon Mobil sẽ tiến hành khoan tiếp ở những khu vực xung quanh.

Việt Nam vẫn nhập khẩu xăng dầu

Trong một báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết cuối năm 2016, tổng doanh thu là 310 tỷ USD, trong đó có 148 tỷ từ xuất khẩu dầu thô và 162 tỷ từ các hoạt động khác, nộp Ngân sách Nhà nước 92 tỷ USD.

Ngược lại, với thị trường bán lẻ trong nước, ông Lê Tấn Thương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Comeco cho chúng tôi biết xăng dầu Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là nhập khẩu.

“Bây giờ 1 phần là từ nhà máy Dung Quất, 1 phần là nhập khẩu từ nước ngoài. Nó nhập khẩu từ Hàn Quốc, từ Singapore, từ Trung Quốc…”

Tiến sĩ Trần Ngọc Toản, thuộc Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng khẳng định điều này. Ông cho biết nguồn cung xăng dầu của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu khoảng 70%, nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp 30%.

Ông Lê Tấn Thương nói thêm là rất khó để biết được con số chính xác, đặc biệt là thị trường bán lẻ ở Việt Nam, trừ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố. Nhưng ông cũng nhấn mạnh “số liệu gần như được xem là bí mật quốc gia”.

Những số liệu xuất khẩu do PVN đưa ra, đối với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng chưa phải là những con số đáng mừng để cho thấy kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi nhuận từ xuất khẩu dầu thô, dầu khí. Vì theo ông, trên thế giới có nhiều quốc gia khác có trữ lượng dầu mỏ nhiều hơn Việt Nam và Việt Nam không phải là nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.

“Có những quốc gia khác nhiều dầu mỏ hơn, không thể nào cạnh tranh bán được với họ vì tổ chức OPEC khống chế giá dầu”.

Theo phân tích của Tiến sĩ Trần Ngọc Toản, trong nhiều thập kỷ, OPEC với vai trò phối hợp hành động giữa các nước, đã điều hành thị trường giá dầu thông qua những lần cắt giảm sản lượng để tạo tình trạng thiếu cung dưới khẩu hiệu “giữ ổn định giá dầu hợp lý”. Và giá dầu thô của Việt Nam cũng hoàn toàn phụ thuộc giá dầu thế giới.

Không thể phụ thuộc khai thác dầu

Tiến sĩ Lê Việt Trung - Viện Dầu khí Việt Nam nhận định rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí có nhiều đóng góp quan trọng đối với kinh tế quốc dân. Dầu khí mang lại trên 20% tổng thu ngân sách, đóng góp 16 - 18% GDP trong các năm trước.

Tuy nhiên, cuối tháng 10 vừa qua, những con số thống kê cụ thể được đưa ra như khai thác dầu thô năm 2017 chỉ đạt 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ cho rằng quốc gia đang đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, vì theo ông cứ 1 triệu tấn dầu thô giảm thì GDP giảm 0,25%, 3 triệu tấn là giảm 0,75%.

Cũng chính vị Phó Thủ tướng trong phiên họp tổ Quốc hội ngày 24 tháng 10, khi nhắc đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đã đưa ý kiến rằng “Thà tăng 1 triệu du khách còn hơn hút thêm 1 triệu tấn dầu”.

Định hướng chiến lược này được kinh tế gia Ngô Trí Long ủng hộ và đồng ý là phương pháp “tiến hành đẩy mạnh tăng trưởng theo cải cách cơ cấu”. Ồng đồng ý với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rằng kinh tế Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào khai thác dầu mỏ.

“Cái ý tưởng này thể hiện là Việt Nam cũng theo một xu hướng chung là phải tái cơ cấu là làm sao tăng trưởng chất lượng dịch vụ, làm sao tăng trưởng phần giá trị gia tăng, chứ tăng trưởng theo số lượng”.

Khẳng định một lần nữa với chúng tôi, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết mặc dù có nhiều thông tin về phát hiện mỏ dầu hoặc triển khai dự án khai thác dầu được đưa ra, nhưng với ông chưa phải là một tin đáng mừng. Ông nói rằng, trong tương lai gần, về mặt năng lượng, Việt Nam cần phải đẩy nhanh việc thực hiện các nhà máy tái tạo như năng lượng gió, mặt trời hoặc điện sinh học.

Đây cũng chính là ý kiến của tiến sĩ Trần Ngọc Toản nêu lên trong bài viết trên trang Năng lượng Việt Nam: ”Với một đất nước có tiềm năng dầu khí không lớn trong lúc nhu cầu các sản phẩm dầu khí nội địa cũng như khu vực phát triển cao thì việc học tập kinh nghiệm các nước không có hoặc có ít tài nguyên năng lượng để phát triển mạnh ngành lọc hóa dầu - khí theo hướng kinh doanh thương mại trên thị trường nội địa lẫn thế giới là một giải pháp xây dựng, phát triển nhanh nền kinh tế rất đáng lưu tâm”.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-has-oil-and-gas-resources-but-not-yet-rich-why-11102017142249.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn