Jerusalem – Miền đất thánh đầy tranh cãi

VI YÊN

clip_image002

Jerusalem. Ảnh: National Geographic.

Ngày 21/12/2017 vừa qua, Liên Hợp Quốc với đa số phiếu thuận đã tuyên bố rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Jerusalem hồi đầu tháng này là vô hiệu lực (null and void).

Số là nửa tháng trước, Tổng thống Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời dự kiến sẽ di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến thành phố này. Động thái này đã làm phá vỡ đồng thuận quốc tế về mối quan hệ vốn nhiều xung đột giữa Israel và Palestine.

Jerusalem vốn là miền đất hành hương của ba tôn giáo độc thần lớn: Hồi giáo, Do Thái giáo, và Cơ Đốc giáo. Song chính quyền Israel bắt đầu chiếm giữ phần lớn Jerusalem làm trung tâm kể từ năm 1948, và tới năm 1980 thì tuyên bố thành phố này là thủ đô “toàn vẹn và thống nhất” của mình. Từ đó tới nay, hầu hết cộng đồng quốc tế vẫn luôn từ chối công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chừng nào mà thỏa thuận hòa bình còn chưa đạt được.

clip_image004

Vị trí Israel và Palestine trên bản đồ. Nguồn: EYB

Miền đất thánh

Cuộc tranh cãi về Jerusalem không chỉ đơn thuần là về địa chính trị, mà còn là những xung đột về đức tin.

Theo Kinh Thánh Hebrew, từ xa xưa người Do Thái đã dựng nên hai ngôi đền linh thiêng ở Jerusalem, như là trung tâm trong đời sống tín ngưỡng của họ. Đây cũng là nơi vua David thiết lập thủ đô cho Vương quốc Israel thống nhất hồi năm 1006 trước Công nguyên. Cho tới ngày nay, Jerusalem vẫn là cội nguồn của đức tin Do Thái giáo. Giờ đây, một trong những bức tường cũ của Đền thờ – được gọi là Bức tường Than Khóc – là nơi thờ tự chính của tôn giáo này.

Đối với người Hồi giáo, Jerusalem là một thánh địa linh thiêng, nơi vị tiên tri Muhammad dừng chân trong Hành trình Đêm huyền bí. Theo cách giải thích truyền thống về kinh Koran, Muhammad được thiên thần Gabriel rước từ Mecca đến Nhà thờ Al-Aqsa ở Jerusalem rồi cưỡi con thiên mã Al Buraq lên các tầng trời. Vì lẽ đó mà Jerusalem rất quan trọng trong đức tin của người Hồi giáo.

Đối với người Cơ Đốc giáo, Nhà thờ Mộ cổ Holy Sepulchre ở Jerusalem là nơi mà nhiều người Cơ Đốc tin rằng Chúa Jesus đã chịu nạn, bị đóng đinh trên cây thánh giá. Nhiều người cũng coi thành phố này là nơi Chúa Jesus tái lâm lúc phán quyết cuối cùng. Jerusalem hiện nay là một địa điểm hành hương chính cho tín đồ Cơ Đốc giáo từ khắp nơi trên thế giới.

clip_image006

Ảnh trái: Những người Do Thái giáo cầu nguyện trước Bức tường Than Khóc, 2017 (Chris McGrath/Getty Images). Ảnh giữa: Các linh mục Cơ đốc trong dịp lễ Phục Sinh vào Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ Holy Sepulcher, 2009 (Gali Tibbon/Getty Images). Ảnh phải: Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa (Chưa rõ nguồn).

Một trăm năm binh biến

Tròn 100 năm trước, vào tháng 12 năm 1917, vị tướng người Anh Edmund Allenby tiếm quyền kiểm soát Jerusalem từ tay người Turk của đế chế Ottoman vốn cai trị thành phố kể từ năm 1517. Kể từ thời Đền thờ Thứ nhất và Đền thờ Thứ hai, mãi tới khi người Anh cai trị thì Jerusalem mới lại được thiết lập thành một thủ đô.

Những năm cai trị của Anh là một quãng thời gian hỗn loạn. Đó là thời điểm bùng nổ của dòng người Do Thái di cư, khi mà từ cuối thế kỷ 19, những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism) đã nườm nượp đổ về quanh vùng Jerusalem nhằm tái lập quê hương (hay còn được gọi là phong trào Aliyah). Trong khi đó, lượng dân Ả Rập địa phương (với phần đa là người Hồi giáo) lại giảm dần kể từ thất bại của đế chế Ottoman.

Cho tới những năm Thế chiến thứ Hai, người Do Thái lại tiếp tục đổ về Palestine nhằm chạy trốn cuộc tàn sát người Do Thái (Holocaust). Những vấn đề này làm gia tăng áp lực phải tạo riêng một nhà nước Do Thái bên trong Palestine thời hậu thế chiến.

Tới năm 1947, khi nước Anh chấm dứt quyền cai trị tại xứ này, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu phân chia Palestine thành ba khu vực Do Thái và bốn khu vực Ả Rập. Riêng Jerusalem được xác định là một thực thể riêng biệt nằm dưới sự giám sát quốc tế vì có tính đặc thù tôn giáo. Kế hoạch nhằm giải quyết xung đột giữa chủ nghĩa dân tộc Palestine và chủ nghĩa dân tộc Do Thái này được các nước phương Tây và Liên Xô nhiệt tình ủng hộ.

clip_image008

Bản đồ vùng xung đột qua các thời kỳ. Ảnh: Bloomberg tổng hợp từ The Routledge Atlas of the Arab-Israeli Conflict, CIA, United Nations, The Geneva Initiative.

Các quốc gia Ả Rập từ chối kế hoạch phân vùng của Liên Hợp Quốc. Sáu tháng sau, khi Israel tuyên bố chủ quyền vào năm 1948, chỉ một ngày sau đó quân đội của liên minh các quốc gia Ả Rập đã tấn công nhà nước Israel mới. Tuy nhiên, họ bị thất bại chỉ một năm sau đó. Vậy là Jerusalem bị chia tách bởi một biên giới đình chiến Green Line (biên giới này được vẽ bằng mực xanh lá cây trên bản đồ): nhà nước mới Israel kiểm soát nửa phía tây, và Jordan kiểm soát nửa phía đông bao gồm cả Thành phố Cổ.

Tháng 6 năm 1967, sau cuộc Chiến tranh Sáu Ngày cũng lại với Ai Cập, Jordan, Syria và các quốc gia Ả Rập khác, Israel không chỉ đánh bại quân đội Ả Rập mà còn nắm quyền kiểm soát Dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập; chiếm luôn Đông Jerusalem và Bờ Tây từ Jordan; và cả Cao nguyên Golan từ Syria. Kể từ đó, toàn cõi Jerusalem thuộc về quyền kiểm soát của Israel.

Cộng đồng quốc tế không công nhận thẩm quyền của Israel đối với lãnh thổ này. Bởi toàn bộ Thành phố Cổ – với những thánh địa linh thiêng của cả Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ đốc giáo, và chứa cả những thị trấn, làng mạc và trại tị nạn Palestine – giờ đây lại do Israel nắm quyền kiểm soát cuối cùng.

Sau cuộc nổi dậy suốt sáu năm của người Palestine, vào năm 1993, hiệp định Oslo đã tạo ra một chính quyền Palestine kiểm soát Bờ Tây và Dải Gaza, trong khi trì hoãn giải quyết các vấn đề cốt lõi: ranh giới, những người tị nạn và tình trạng của Jerusalem. Trong gần một phần tư thế kỷ kể từ đó, những triển vọng về hòa bình đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

clip_image010

Những người lính Israel tiến vào Núi Đền ở Thành phố Cổ Jerusalem vào ngày 7 tháng 6 năm 1967. Ảnh: Văn phòng Báo chí Chính phủ Israel

Trật tự hiện có

Theo giáo sư Michael Dumper chuyên nghiên cứu chính trị Trung Đông, ngày nay Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và toàn bộ khu vực mà người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif (Núi Đền) được điều hành bởi Waqf – một tổ chức tôn giáo Hồi giáo dưới sự giám sát của chính phủ Jordan. Chính phủ Israel và một nhóm các giáo sỹ Do Thái chính thống đang trực tiếp kiểm soát Bức tường Than Khóc nằm dưới chân Núi Đền. Còn một liên minh các nhóm Cơ Đốc giáo đang nắm quyền đối với Nhà thờ Holy Sepulchre.

Công ước Geneva lần thứ Tư (12/8/1949) cho rằng kể từ sau khi phát xít thất bại sau Thế chiến thứ Hai, thì lãnh thổ Jerusalem vẫn luôn nằm dưới sự “chiếm đóng thù nghịch của quân đội”. Tuy nhiên, chính phủ Israel luôn coi rằng các điều khoản của các công ước không áp dụng cho Jerusalem.

Trước kia, vẫn có một vài nước đặt đại sứ quán tại Jerusalem, như là Hà Lan và Costa Rica. Nhưng vào tháng Bảy năm 1980, sau khi Hội đồng lập pháp Knesset của Israel thông qua Đạo Luật Cơ bản tuyên bố rằng “Jerusalem, vẹn toàn và thống nhất, là thủ đô của Israel”, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đáp lại bằng nghị quyết 476 lên án việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế. Kể từ đó, các quốc gia dần chuyển đại sứ quán ra khỏi thành phố. Cho tới năm 2006, Costa Rica và El Salvador là hai nước cuối cùng rút đại sứ quán khỏi Jerusalem và dời đến Tel Aviv như mọi quốc gia còn lại.

Riêng ở Mỹ, vào tháng 11 năm 1995, Quốc hội nước này đã thông qua một Đạo luật Đại sứ quán yêu cầu Mỹ di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về lại Jerusalem, với lý do rằng Mỹ nên tôn trọng lựa chọn của Israel khi chọn Jerusalem là thủ đô của nó. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ từ năm 1995 tới trước thời Trump – tức là Clinton, Bush và Obama – đã từ chối di chuyển đại sứ quán, với lý do lợi ích an ninh quốc gia, bằng cách mỗi sáu tháng họ lại sử dụng quyền khước từ tổng thống.

Với lịch sử nhiều hỗn loạn, Jerusalem rất có thể sẽ lại bị thổi bùng lên thành trung tâm xung đột sau tuyên bố của Trump. Tuy nhiên, theo Michael Schulson của tờ Washington Post, trong khi lịch sử Jerusalem là một ca thử nghiệm về bạo lực tôn giáo thì chính nó cũng là một phòng thí nghiệm đa nguyên. Hiếm có thành phố nào có thể tự hào về sự đa dạng tôn giáo như vậy. Câu hỏi còn để ngỏ lúc này là, liệu tuyên bố của Trump có làm lệch thế đa nguyên vốn tồn tại trước nay hay chăng.

Tài liệu tham khảo:

Kế hoạch phân chia Palestine của Liên Hợp Quốc năm 1947

Công ước Geneva lần thứ tư 1949 về bảo vệ thường dân thời chiến

Đạo luật Cơ bản 1980 của Israel

Nghị quyết 476 (1980) của Liên hợp quốc

Hiệp định Oslo 1993

Đạo luật Đại sứ quán 1995 của Mỹ

• Thomas L. Thompson (2003); Jerusalem in Ancient History and Tradition; Bloomsbury T&T Clark.

• Michael Dumper (2014); Jerusalem Unbound: Geography, History, and the Future of the Holy City; Columbia University Press.

• Nicholas Blincoe; Why Trump’s assertion of Jerusalem as capital of Israel would be a catastrophe; The Guardian; 5/12/2017.

• Michael Schulson; Questions about Jerusalem you were afraid to ask; The Washington Post; 6/12/2017.

• Mona Boshnaq, Sewell Chan, Irit Pazner Garshowitz, Gaia Tripolidec; The Conflict in Jerusalem Is Distinctly Modern. Here’s the History; The New York Times; 5/12/2017.

V.Y.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/12/jerusalem-mien-dat-thanh-day-tranh-cai/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn